Bệnh tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước và số lần đi ngoài tăng lên thường là trên ba lần trên một ngày. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năn có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ em bị bệnh tiêu chảy, trong đó có từ 1,5-2,5 triệu trường hợp tử vong. Phần lớn trẻ tử vong do bệnh tiêu chảy gặp dưới 2 tuổi và sống tại những nước đang phát triển. Bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh nếu không biết rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sơ sinh không chỉ trước mắt mà cả đời sống sau này của trẻ.
Bài liên quan điều trị bệnh tiêu chảy:
- Thuốc điều trị bệnh tiêu chảy chứa hoạt chất loperamid [Phần 1]
- Mẹo xử lý khi trẻ bị sốt
- Bệnh tiêu chảy nên ăn gì?
- Thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy
- Nhiễm virus các loại như: Rotavirus, Calicivirus, Adenovirus hay các virus cúm… Loại hay gặp nhất là Rotavirus có thể gây lên các dịch bệnh tiêu chảy đầu mùa đông ở trẻ em.
- Nhiễm vi khuẩn như: thương hàn, tả, lỵ, E.coli trẻ thường bị đau bụng mót dạ đi ngoài phân có máu.
- Nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ và bé. Ví dụ trẻ uống quá nhiều nước ngọt, nước hoa quả… Có lượng sorbitol hay fructo quá cao cũng gây ra bệnh tiêu chảy. Chính vì vậy, Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo. Với những trẻ em dưới 6 tháng tuổi, tuyệt đối không uống nước quả. Nếu, trên 6 tháng tuổi cũng chỉ nên uống dưới 100g trên ngày. Đối với trẻ nuôi bằng sữa công thức (sữa ngoài), không nuôi bằng sữa mẹ có cách pha chế không đúng cũng sẽ dẫn đến bệnh tiêu chảy.
- Dị ứng thức ăn cũng gây bệnh tiêu chảy ở trẻ, thức ăn có thể gây dị ứng như: protein sữa bò trứng các loại hạt hay hải sản.
- Không dung nạp được thức ăn ví dụ không dung nạp được đường lacto trong sữa bò.
- Ngộ độc.
Phân loại bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh:
Bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh được phân loại dựa trên mức độ mất nước của trẻ.
- Nhẹ (Nhược trương)
- Vừa (Đẳng trương)
- Nặng (Ưu trương)
Triệu chứng bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh:
Về tiêu hóa: Trẻ sơ sinh sẽ có số lần đi ngoài nhiều lên. Tính chất phân cũng khác đi phân lỏng, nhiều nước hơn, thậm chí phân có thể màu xanh, phân có nhày, có máu. Trẻ có thể nôn, chướng bụng, ứ đọng các dịch dạ dày
Triệu chứng toàn thân như: trẻ li bì, bỏ bú, bị kích thích, sốt và có thể hạ nhiệt độ.
Triệu chứng về đường hô hấp: gây suy hô hấp…
Phản ứng dị ứng với thức ăn: sau khi ăn thức ăn từ khoảng nửa tiếng đến hai giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa có thể nổi phát ban, mày đay, phù, thậm chí có thể xuất hiện triệu chứng suy hô hấp.
Nguy hiểm nhất là tình trạng mất nước: Ban đầu là khô miệng, tiểu ít… Rồi tăng dần biểu hiện như: môi khô, mắt chũng, thóp lõm, chồng khớp sọ và có thể hoàn toàn vô nhiệm.
Với tất cả trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi khi có dấu hiệu bệnh tiêu chảy. Cần được đưa tới ngay các cơ sở y tế, để theo dõi, khám và xác định nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy.
Phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy cho trẻ sơ sinh:
Nuôi con bằng sữa mẹ góp phần hạn chế bệnh tiêu chảy cho trẻ sơ sinh: Sữa mẹ luôn luôn là sữa ưu việt. Vì sữa mẹ cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý nhất. Giúp cho sự phát triển và hệ miễn dịch của trẻ được toàn diện. Từ đó, sẽ giúp trẻ sơ sinh phòng chống bệnh và phòng chống mất nước khi bị bệnh tiêu chảy.
Khi vào viện, trẻ sơ sinh sẽ được đánh giá về mức độ nặng, nhẹ của tình trạng bệnh tiêu chảy và mức độ mất nước của trẻ. Tìm nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy thường dựa trên hỏi bệnh (thăm khám lâm sàng) khám trẻ sơ sinh và một số xét nghiệm thăm dò. Từ đó, sẽ đưa ra những phương pháp điều trị cho trẻ.
Khi nguyên nhân được xác định là do mất nước hay nhiễm trùng, nhiễm vi khuẩn… thì lúc này trẻ sẽ phải tuân thủ tuyệt đối chế độ điều trị cũng như chăm sóc tại bệnh viện.
Nhưng khi nguyên nhân được xác định là do chế độ ăn hay phản ứng của cơ thể hoặc khi trẻ được xác định là bệnh tiêu chảy nhẹ và đã qua giai đoạn nguy hiểm thì khi đó trẻ sẽ được đưa về và chăm sóc tại nhà.
1. Điều trị bệnh tiêu chảy tại bệnh viện:
Khi trẻ bị mất nước sẽ dựa trên mức độ mất nước:
- Mất nước nhẹ: trẻ sơ sinh chỉ cần bú mẹ đầy đủ và tăng cường lượng sữa.
- Mất nước vừa: Cung cấp thêm các nước điện giải như dung dịch Oresol để cho trẻ sơ sinh bú thêm xen kẽ vào những lúc bú.
- Mất nước nặng: Trẻ sơ sinh sẽ phải được bù dịch bằng đường truyền tĩnh mạch và các dung dịch điện giải.
Sau khi bù nước bác sỹ sẽ dựa trên nguyên nhân gây nên bệnh tiêu chảy mà sẽ có những biện pháp cụ thể:
- Bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn: trẻ sơ sinh phải được điều trị bằng kháng sinh với đầy đủ các liệu pháp kháng sinh trong bệnh viện.
- Bệnh tiêu chảy do viêm ruột: trẻ sơ sinh sẽ phải nhịn ăn và nuôi dưỡng tĩnh mạch trong một thời gian cho ruột của trẻ hồi phục lúc đấy mới bắt đầu cho trẻ ăn trở lại.
- Bệnh tiêu chảy do trẻ sơ sinh không dung nạp được thức ăn ví dụ trẻ không dung nạp được đường lacto thì người ta sẽ phải chọn loại sữa không có đường lacto để dùng thích hợp cho trẻ.
- Bệnh tiêu chảy do trẻ sơ sinh dùng kháng sinh hoặc trẻ hay gặp các rối loạn đường ruột cũng gây bệnh tiêu chảy cho trẻ thì sẽ dùng bổ sung thêm các men để hỗ trợ (men tiêu hóa) probaiotic để giúp cho trẻ cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột.
- Khi trẻ bị dị ứng thức ăn: thì cần ngừng ngay thức ăn đó và điều trị các tình trạng dị ứng của trẻ sau đó sẽ tìm các loại thức ăn thay thế.
2. Chăm sóc trẻ sơ sinh bị bệnh tiêu chảy tại nhà:
Khi được các bác sỹ hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn của mẹ của bé thì trẻ sẽ được chuyển về chăm sóc tại nhà và phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Bố, mẹ cần tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn của bác sỹ, nên cho trẻ bú mẹ nhiều.
- Nếu trẻ sơ sinh sử dụng sữa công thức, thì phải theo đúng loại sữa công thức mà bác sỹ chỉ dẫn (Vì có những loại sữa đặc biệt)
- Cần cho trẻ uống nhiều nước để đảm bảo cung cấp đủ dịch giúp cho trẻ không bị mất nước (Cung cấp đủ dịch là cho trẻ bú mẹ nhiều hoặc ăn đầy đủ bữa. Lượng sữa mỗi bữa có thể ít đi nhưng đồng thời phải số lần bú lên. Vì thời gian này, trẻ mệt mỏi không bú được lượng sữa lớn trong một bữa như bình thường).
- Cần phải vệ sinh cho trẻ sơ sinh sạch sẽ sau mỗi lần đi ngoài, đây là một phần hết sức quan trọng và cần được lưu ý.
Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Biến chứng do bệnh tiêu chảy khi không điều trị kịp thời cho trẻ sơ sinh:
Nếu không được kịp thời chữa trị thì bệnh tiêu chảy ở trẻ sẽ diễn biến rất nhanh. Đặc biệt là tình trạng mất nước sẽ dẫn đến suy thận, suy hô hấp và trẻ có thể tử vong.
Do nhiễm khuẩn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng nhiễm trùng huyết cũng sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong rất là cao.
Trẻ sơ sinh bị bệnh tiêu chảy thì các bà mẹ có cần thiết phải ăn kiêng?
Khi thấy trẻ sơ sinh bị bệnh tiêu chảy ngay lập tức nhiều bà mẹ ăn uống kiêng khem (thậm chí không dám ăn rau, không dám uống nước) nhưng điều này đôi khi là không cần thiết.
Kiêng khem, điều này hoàn toàn đúng và tốt nếu trẻ ở trong trường hợp bị dị ứng với thức ăn. Nhưng, sẽ không đúng khi trẻ sơ sinh bị bệnh tiêu chảy do những nguyên nhân khác. Khi trẻ bị bệnh tiêu chảy không phải do dị ứng thức ăn. Mà người mẹ vẫn ăn uống quá kiêng khem thì nó không những không đúng, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ. Vì người mẹ vẫn phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, để cung cấp dinh dưỡng cũng như cả miễn dịch cho trẻ. Giúp trẻ phòng bệnh, cũng như giảm tình trạng mất nước.
Lời khuyên phòng bệnh bệnh tiêu chảy cho trẻ sơ sinh:
Để phòng bệnh bệnh tiêu chảy cho trẻ sơ sinh, bà mẹ và người chăm sóc trẻ cần thực hiện:
- Các bà mẹ cần được chăm sóc thai sản tốt. Vì đó là tiền đề sức khỏe cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là hạn chế được các nhiễm khuẩn trong giai đoạn chu sinh. Bà mẹ nên đi khám thai đầy đủ, định kỳ. Đặc biệt là ở giai đoạn cuối của thai kỳ, bà mẹ cần được kiểm tra sức khỏe để phát hiện bệnh. Đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng để có biện pháp điều trị kịp thời, hợp lý tránh nhiễm trùng giai đoạn ngay sau sinh.
- Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý.
- Cho trẻ sơ sinh bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng tuổi. Trẻ được bú mẹ sẽ ít mắc bệnh bệnh tiêu chảy và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với trẻ không được bú mẹ, hoặc không được bú mẹ hoàn toàn.
- Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, sẽ giúp trẻ lớn nhanh và khỏe mạnh.
- Tiêm phòng và uống vắc xin phòng bệnh. Đưa trẻ sơ sinh đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. tiêm phòng sởi cho trẻ ở đúng độ tuổi, có thể giảm tỷ lệ mắc và mức độ trầm trọng của bệnh tiêu chảy, do hậu quả của bệnh sởi. cho trẻ sử dụng vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus, là biện pháp chủ động và hiệu quả để phòng ngừa bệnh bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus.
- Luôn luôn, đảm bảo công tác vệ sinh trong chăm sóc cho trẻ, vệ sinh thân thể trẻ, vệ sinh thức ăn thực phẩm và vệ sinh trong tất cả các khâu ăn uống cho trẻ.
Chăm sóc sức khỏe khi mang thai, cho nuôi con bằng sữa mẹ, thực hiện đúng những lời khuyên trên, các bậc cha mẹ có thể yên tâm phòng tránh được bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh.
Th.S BS Lê Thị Thu Hà
Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung Ương